Tuesday 8 December 2015

Tường thuật Thánh lễ và lễ nghi mở Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót
Linh Tiến Khải12/8/2015

08/12/2015 - Tường thuật thánh lễ và lễ nghi mở cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót, do ĐTC Phanxicô chủ sự sáng mừng 8 tháng 12 năm 2015

Lúc 9 giờ rưỡi sáng hôm qua, lễ trọng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ và lễ nghi mở cửa Năm Thánh khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót. Cùng đồng tế thánh lễ có 60 Hồng Y, 100 Tổng Giám Mục và Giám Mục, 200 Linh Mục nhân viên các cơ quan trung uơng Toà Thánh và khoảng 2.000 Linh Mục, kể cả 200 vị giúp ĐTC cho tín hữu rước lễ, trong đó có 100 Linh Mục thuộc dòng Đạo Binh Chúa Kitô và 60 Phó tế đem Mình và Máu Thánh Chúa tới cho các Linh Mục đồng tế. Đứng hai bên ĐTC là ĐHY Angelo Sodano, nguyên Quốc Vụ Khanh Toà Thánh và ĐHY Giovanni Battista Re, nguyên Tổng trưởng Bộ Giám Mục.

Xem video và hình ảnh mở Cửa Thánh

Huy hiệu của Năm Thánh Lòng Thương Xót được treo trên bao lơn chính giữa Đền thờ Thánh Phêrô. Huy hiệu do linh mục Marko Rupnik dòng Tên vẽ, là một tiểu luận thần học về lòng thương xót. Huy hiệu cho thấy Chúa Con vác trên vai con người bị lạc đường. Đây là một hình ảnh rất thân thiết đối với Giáo Hội cổ xưa, bởi vì nó ám chỉ tình yêu của Chúa Kitô, là Đấng thành toàn màu nhiệm nhập thể của Người với việc cứu chuộc.

Hình vẽ nêu bật vị Mục Tử Nhân Lành đụng chạm thịt xác con người trong sự sâu thẳm của nó, và Người làm điều đó với tình yêu đến độ thay đổi cuộc sống con người. Mục Tử Nhân Lành mang nhân loại trên mình với lòng thương xót tột độ, nhưng đôi mắt tan hòa với đôi mắt của con người. Chúa Kitô nhìn với con mắt của Ađam, và Adam nhìn với con mắt của Chúa Kitô. Như thế, mỗi người khám phá ra nơi Chúa Kitô Ađam mới, nhân tính của mình và tương lai chờ đón mình, bằng cách chiêm ngưỡng trong cái nhìn của Người tình yêu của Thiên Chúa Cha.

Tất cả cảnh này ở bên trong một hạt hạnh nhân, rất thân thiết với nghệ thuật vẽ hình trên gỗ icône cổ xưa và vào thời Trung Cổ, diễn tả sự đồng hiện diện của thiên tính và nhân tính nơi Chúa Kitô. Ba vòng tròn bầu dục đồng tâm có mầu từ từ sáng hơn hướng về phía bên ngoài gợi nhớ động thái của Chúa Kitô đem con người ra khỏi đêm tối của tội lỗi và cái chết. Đàng khác, mầu đậm hơn cũng gợi lên tính cách khôn dò trong tình yêu của Thiên Chúa Cha, là Đấng tha thứ mọi sự.

Nhân dịp này hình vẽ Icône cổ kính “Đức Mẹ Cửa của Lòng Thương Xót” cũng được mang về Roma từ đền thánh Công Giáo hy lạp Chúa Hiển Dung ở Jaroslaw bên Ba Lan. Bức hình Đức Mẹ đã được vẽ năm 1640. Năm 1779 ĐGH Piô VI đã coi hình vẽ này là ảnh Đức Mẹ làm phép lạ. Và năm 1996 ĐHY Achille Silvestrini đã được ĐGH Gioan Phaolô II cử làm đặc sứ đội triều thiên cho Đức Mẹ. Một bản chụp của hình này cũng được tín hữu Ucraina tôn kính tại Buenos Aires, bên Argentina.

Lúc 8 giờ 20 tất cả các chuông Đền Thờ Thánh Phêrô đã đổ hồi rộn rã. Để chuẩn bị tinh thần mọi người cho buổi cử hành long trọng này lúc 8 giờ 45 vài đoạn của 6 tài liệu của Công Đồng Chung Vaticăng II đã được tuyên đọc: Hiến chế tín lý về mạc khải của Thiên Chúa Dei Verbum; Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium; Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium; Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes; Sắc lệnh về hiệp nhất Unitatis Redintegratio; và Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo Dignitatis Humanae. Ngày mùng 8 tháng 12 cũng là kỷ niệm 50 năm kết thúc Công Đồng Chung Vaticăng II. Việc tuyên đọc các tài liệu nói trên nhằm giúp mọi người duyệt lại vài giáo huấn sâu sắc của Công Đồng và ý thức được tính cách thời sự của các giáo huấn này đối với cuộc sống của Giáo Hội. Công Đồng đã được suy tư và nhóm họp trong ba năm, và đã kết thúc dưới ánh sáng lòng thương xót Chúa.

Lúc 9 giờ 5 phút mọi người đã lần hạt kính Đức Mẹ. Tham dự thánh lễ mở Cửa Năm Thánh đã có khoảng 60.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu, trong đó cũng có mấy nhóm tín hữu Việt Nam. Tham dự thánh lễ và lễ nghi mở Cửa Thánh cũng có phái đoàn của các nước Italia, Bỉ, Cộng hoà thánh Marino, Cộng hoà Tchèques và Cộng hoà Liên bang Đức. Bên phải khán đài có nhiều nhân vật của chính quyền Italia cũng như của Hội hiệp sĩ Malta, tu huynh Alois của cộng đoàn đại kết Taizé. Cũng có 100 người câm điếc tham dự thánh lễ được diễn giải bằng ngôn ngữ dấu chỉ.

Bài đọc một bằng viếng Tây Ban Nha trích từ chưong 3 sách Sáng Thế, kể lại cảnh Thiên Chúa phán xử loài người sau khi con người phạm tội. Thánh vịnh 97 “Hãy hát lên một bài tân ca chúc tụng Chúa” được hát bằng tiếng Ý. Bài đọc bằng tiếng Anh trích từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêxô, tạ ơn Thiên Chúa vì qua Đức Giêsu Kitô Ngài đã ban cho chúng ta mọi phước lành, đã chọn chúng ta từ đời đời để chúng ta tinh tuyền thánh thiện, và đã tiền định cho chúng ta trở nên nghĩa tử qua Chúa Giêsu Kitô và đồng thừa tự với Chúa Kitô.

Phúc Âm đã tả lại cảnh thiên thần Gabriel truyền tin cho Đúc Maria được hát bằng tiếng Ý. Các lời nguyện giáo dân được tuyên đọc bằng các thứ tiếng: Tầu, A rập, Pháp, Swahili và Malayalam: xin Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội luôn là mẹ sự thật và lòng thương xót, và là cung lòng cưu mang các người con mới của Thiên Chúa; xin Chúa Thánh Thần làm nảy sinh ra nơi các nhà làm luật và hàng lãnh đạo ước muốn phục vụ mọi người, say mê công lý và hòa bình; xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn lương tâm những người tội lỗi và bạo lực để họ hiểu biết thảm cảnh và sự trầm trọng của sự dữ họ đã gây ra, và cho con tim của họ nhận được ơn chữa lành và lòng thương xót; xin Chúa Thánh Thần dấy lên trong tâm trí những người không tín ngưỡng ước muốn chân lý, và trong ý chí của họ lòng can đảm gắn bó với sự thiện; xin Chúa Thánh Thần làm cho môi miệng các thừa sai và các cha giải tội tươi vui và thẳng thắn loan báo Tin Mừng, và nói lên các lời của hy vọng và tha thứ.

Phần thánh Ca đã được ba ca đoàn đảm trách: Ca đoàn Sistina, ca đoàn của Học viện giáo hoàng Thánh Nhạc, và ca đoàn Mater Ecclesiae.

Năm Thánh ngoại thường này cũng là một món quà của ân sủng. Bước vào Cửa đó có nghĩa là khám phá ra sự sâu thẳm lòng thương xót của Thiên Chúa Cha tiếp đón tất cả mọi người và đến gặp gỡ từng người một

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc phụng vụ và Năm Thánh Lòng Thương Xót dưới ánh sáng các ơn Thiên Chúa ban cho Đức Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế, cũng như dưới ánh sáng của Công Đồng Chung Vaticăng II kết thúc cách đây đúng 50 năm. Mở đầu bài giảng ĐTC nói:

Trong chốc lát nữa đây tôi sẽ vui sướng mở Cửa Thánh Lòng Thương Xót. Chúng ta chu toàn cử chỉ này, đơn sơ biết bao nhưng cũng biểu tượng một cách mạnh mẽ, dưới ánh sáng của Lời Chúa mà chúng ta vừa lắng nghe, và nó nêu bật quyền tối thượng của ân sủng. Thật thế, điều trở lại nhiều lần trong các bài đọc hướng chúng ta về kiểu diễn tả, mà sứ thần Gabriel đã nói với một thiếu nữ trẻ tuổi, kinh ngạc và bị khuấy động, ám chỉ mầu nhiệm sẽ bao bọc nàng: “Hãy vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28).

Đức Trinh Nữ Maria được mời gọi trước tiên vui lên vì những gì Chúa đã thành toàn nơi Mẹ. Ơn thánh của Thiên Chúa đã bao phủ Mẹ, khiến cho Mẹ có khả năng trở thành Mẹ Chúa Kitô. Khi sứ thần Gabriel bước vào trong nhà Người, cả mầu nhiệm sâu thẳm nhất vượt qúa mọi khả năng của lý trí, đối với Mẹ cũng trở thành lý do của niềm vui, của lòng tin và sự phó thác cho lời được mạc khải cho Mẹ. Sự tràn đầy ơn phước là một mức độ của việc biến đổi con tim, và làm cho nó có khả năng thành toàn một cử chỉ cao cả tới độ thay đổi lịch sử của nhân loại.

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội diễn tả tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa. Ngài không chỉ là Đấng tha tội, nhưng nơi Mẹ Maria Ngài đạt tới chỗ đề phòng tội nguyên tổ, mà mỗi người mang trong mình, khi bước vào thế giới này. Chính tình yêu của Thiên Chúa đề phòng, thực hiện trước và cứu rỗi. Việc bắt đầu lịch sử của tội lỗi trong vườn Eden được giải quyết trong dự án của một tình yêu cứu rỗi. Các lời của sách Sáng Thế kể lại kinh nghiệm thường ngày, mà chúng ta khám phá ra trong cuộc sống cá nhân. Luôn luôn có cám dỗ bất tuân phục, được diễn tả ra trong việc dự phóng cuộc sống chúng ta một cách độc lập với ý muốn của Thiên Chúa. Và chính sự không thân hữu đó liên tục mưu sát cuộc sống của con người để làm cho họ chống lại chương trình của Thiên Chúa. Tuy nhiên, cả lịch sử của tội lỗi cũng chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng của tình yêu tha thứ. Nếu mọi sự bị cột buộc với án đầy ải của tội lỗi, thì chúng ta sẽ là những người tuyệt vọng nhất trong các loài thụ tạo, trong khi lời hứa chiến thắng tình yêu của Chúa Kitô gói ghém tất cả trong lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Lời Chúa mà chúng ta vừa mới lắng nghe không để cho chúng ta nghi ngờ về điều này. Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội trước chúng ta là chứng nhân đặc tuyển của lời hứa và sự thành toàn lời hứa đó.

Đề cập tới Năm Thánh Lòng Thương Xót ĐTC nói:

Năm Thánh ngoại thường này cũng là một món quà của ân sủng. Bước vào Cửa đó có nghĩa là khám phá ra sự sâu thẳm lòng thương xót của Thiên Chúa Cha tiếp đón tất cả mọi người và đến gặp gỡ từng người một. Đây sẽ là một Năm trong đó chúng ta lớn lên trong xác tín về lòng thương xót. Biết bao nhiêu sai lạc đã được gán cho Thiên Chúa và ơn thánh của Ngài, khi người ta khẳng định rằng tôi lỗi bị phạt bởi sự phán xử của Chúa, mà trái lại không đặt để trước rằng chúng được thứ tha bởi lòng thương xót của Ngài. (x. Agostino, De praedestinatione sanctorum 12, 24). Vâng, đúng thế. Chúng ta phải đặt để lòng thương xót trưóc sự phán xử, và trong mọi trường hợp sự phán xử của Thiên Chúa sẽ luôn luôn trong ánh sáng lòng thương xót của Ngài. Như thế, bước qua Cửa Thánh khiến cho chúng ta cảm thấy được chia sẻ mầu nhiệm tình yêu ấy. Chúng ta hãy từ bỏ mọi hình thức sợ hãi và lo lắng, bởi vì người ta không chỉ tay tố cáo người được yêu. Trái lại, chúng ta hãy sống niềm vui của cuộc gặp gỡ với ơn thánh biến đổi mọi sự.

Bước qua Cửa Thánh là sống tinh thần của Công Đồng Chung Vaticăng II là tinh thần của ngưởi Samaritano nhân lành

Nhắc đến kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc Công Đồng Chung Vaticăng II ĐTC nói:

Hôm nay, tại Roma này cũng như trong mọi nhà thờ chính toà trên thế giới, khi bước qua Cửa Thánh chúng ta cũng muốn nhớ tới một cánh cửa khác, mà các Nghị Phụ Công Đồng Chung Vaticăng II mở toang ra với thế giới cách đây 50 năm. Dịp kỷ niệm này không chỉ được nhớ tới vì sự phong phú của các tài liệu được biên soạn, mà cho tới ngày nay cho phép chúng ta kiểm thực sự tiến bộ lớn lao đã được thành toàn trong đức tin. Tuy nhiên, trước hết Công Đồng đã là một cuộc gặp gỡ. Một cuộc gặp gỡ đích thật giữa Giáo Hội và con người thời đại chúng ta. Một cuộc gặp gỡ được ghi dấu bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần, thúc đẩy Giáo Hội Người ra khỏi các tù túng từ bao nhiêu năm đã khép kín nó trong chính mình, để hăng say đi lại con đường truyền giáo. Đó đã là việc lấy lại một lộ trình để đi gặp gỡ mỗi người ở nơi họ sinh sống: trong thành phố, trong nhà, trong nơi họ làm việc… ở khắp mọi nơi đâu có một người, ớ đó Giáo Hội được mời gọi đến với họ để đem niềm vui Phúc Âm tới cho họ. Như vậy, đó một thúc đẩy truyền giáo mà sau các thập niên này chúng ta lấy lại với cùng sức mạnh và lòng hăng say. Năm Thánh khiêu khích chúng ta cho sự rộng mở này, và bắt buộc chúng ta không được lơ là với tinh thần được dấy lên bởi Công Đồng Chung Vaticăng II, đó là tinh thần của người Samaritano nhân lành, như chân phước Phaolô VI đã nhắc tới, khi kết thúc Công Đồng. Hôm nay việc bước qua Cửa Thánh khiến cho chúng ta dấn thân biến lòng thương xót của người Samaritano nhân hậu thành của mình.

Sau lời nguyện kết lễ, ĐTC đã chủ sự nghi lễ mở Cửa Thánh. Phó tế loan báo lễ nghi và nói:

Anh chị em thân mến, được linh hoạt bởi đức tin nơi Chúa Giêsu, Đấng cứu độ chúng ta, mà chúng ta đã canh tân trong buổi cử hành thánh thể và được giữ gìn bởi Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta khai mạc Năm Thánh Ngoại Thường của Lòng Thương Xót.

Cửa Thánh mở ra trước chúng ta, chính Chúa Kitô, qua lòng thương xót của Giáo Hội dẫn chúng ta vào trong mầu nhiệm ủi an của tình yêu Thiên Chúa, tình yêu vô bờ ấp ủ toàn nhân loại.

Chúng ta hãy chuẩn bị con tim cho hành động của Chúa Thánh Thần, ước mong đáp ứng ơn gọi kitô chung là nên thánh với sự tuơi vui sẵn sàng. Chúng ta hãy bắt đầu trong bình an nhân danh Chúa Kitô.”

Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI cũng hiện diện trong lễ nghi mở Cửa Thánh. ĐTC Phanxicô đã hôn chào vị tiền nhiệm của mình, trước khi đọc lời nguyện khai mạc lễ nghi mở Cửa Thánh.

Đến trước Cửa Thánh ĐTC đọc lời nguyện sau đây:

“Lậy Thiên Chúa, là Đấng mạc khải sự toàn năng của Ngài, nhất là với lòng thương xót, xin ban cho chúng con sống một năm ơn thánh, là thời gian thuận tiện để yêu Chúa và các anh chị em trong niềm vui Phúc Âm.

Xin tiếp tục đổ Thánh Thần trên chúng con, để chúng con không mệt mỏi tin tưởng hướng cái nhìn của chúng con tới Đấng chúng con đã đâm thâu, là Con Chúa nhập thể làm người, gương mặt rạng ngời của lòng thương xót vô biên của Chúa, là nơi nương ẩn chắc chắn cho mọi người tội lỗi, cần ơn tha thứ và bình an, chân lý giải thoát và cứu rỗi.

Người là Cửa, qua đó chúng con đến với Chúa , suối nguồn bất tận của ủi an cho tất cả mọi người, vẻ đẹp không tàn phai, niềm vui toàn vẹn trong cuộc sống không cùng.

Xin Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội bầu cử cho chúng con, Người là hoa trái đầu tiên và rạng ngời của chiến thắng phục sinh, bình minh sáng ngời của trời mới đất mới, bến bờ cuộc lữ hành trần thế của chúng con.

Dâng lên Ngài, lậy Thiên Chúa Cha chí thánh, và Con Chúa là Đấng Cứu Độ chúng con và Chúa Thánh Thần, Đấng Ủi An mọi danh dự và vinh quang muôn đời Amen.”

Tiếp đến ĐTC xướng: “Đây là cửa của Chúa”. Cộng đoàn thưa: “Qua đó người công chính bước vào“. “Hãy mở các cửa của sự công chính” - “Tôi sẽ vào để tạ ơn Chúa” – “Vì lòng thương xót lớn lao của Chúa con sẽ vào nhà Chúa, Lậy Chúa” – “Con sẽ phủ phục hướng về đền thánh Ngài”.

Trong thinh lặng ĐTC bước lên mở Cửa Thánh và cầu nguyện trên ngưỡng cửa, rồi bước vào bên trong, theo sau là Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Hai vị hôn và bắt tay nhau lần nữa. Tiếp đến là các vị đồng tế và vài đại diện các tu sĩ và giáo dân nam nữ, và mọi người đi về Bàn thờ tuyên xưng Đức Tin. Trong khi đó ca đoàn hát bài Thánh Ca của Năm Thánh: “Chúng ta hãy cảm tạ Chúa Cha vì Ngài nhân lành, lòng thương xót của Ngài tồn tại đến muôn đời.”

Khi đến trước Bàn thờ tuyên xưng Đức Tin, ĐTC đọc lời nguyện sau đây:

“Lậy Cha rất thánh, giầu lòng thương xót và cao cả trong tình yêu, chúng con chúc tụng Cha với tất cả tâm lòng và chúng con cảm tạ Cha vì các ơn tràn đầy Cha đã ban cho chúng con. Xin hãy đoái nhìn chúng con, trong ngày hôm nay đã mở Cửa Thánh và vui mừng khai mào thời gian năm thánh. Chúng con xin Cha ban cho tất cả những ai đi qua Cửa của Lòng Thương Xót với tâm hồn thống hối, với dấn thân canh tân và lòng tín thác con thảo, được sống kinh nghiệm sống động sự dịu hiền phụ tử của Cha và nhận được on tha tội để làm chứng, bằng lời nói và việc làm, cho gương mặt lòng thương xót của Chúa, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa đến muôn thuở muôn đời. Amen”.

Trước khi ban phép lành cho mọi người ĐTC nói: “Lậy Chúa, xin chúc lành cho dân Ngài đang chờ đợi các ơn của lòng thương xót Chúa, và hoàn thành các ước mong sự thiện, mà chính Chúa đã gợi hứng cho. Nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con.”

Sau khi ĐTC ban phép lành cho mọi người, Phó tế kết thúc và nói: “Anh chị em hãy thương xót như Cha anh chị em là Đấng xót thương.”. Mọi người thưa: Tạ ơn Chúa.

Tiếp nhận ơn thánh thương xót của Ngài trong cuộc sống chúng ta; và đến lượt mình trở thành là những người thực hành lòng thương xót

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã ra cửa sổ Dinh Tông Toà để đọc kinh Truyền Tin chung với tín hữu. Trong bài huấn dụ ngài đã nhắc lại ý nghĩa của lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và nhấn mạnh như sau:

Cử hành ngày lễ này bao gồm hai điều: tiếp nhận Thiên Chúa một cách tràn đầy và tiếp nhận ơn thánh thương xót của Ngài trong cuộc sống chúng ta; và đến lượt mình trở thành là những người thực hành lòng thương xót qua một con đường phúc âm đích thực. Như thế, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trở thành lễ của tất cả chúng ta, nếu với các tiếng “xin vâng” mỗi ngày của mình chúng ta chiến thắng được tính ích kỷ của mình, và khiến cho cuộc sống của các anh chị em khác được tươi vui hơn, trao ban cho họ niềm hy vọng, lau khô vài giọt nước mắt, và trao ban cho họ một chút tươi vui. Noi gương Mẹ Maria chúng ta được mời gợi trở thành những người đem Chúa Kitô đến cho tha nhân, và là các chứng nhân tình yêu của Ngài, trước hết bằng cách nhìn đến những người được coi là ưu tiên trong đôi mắt của Chúa Giêsu. Đó là những người mà chính Ngài đã chỉ cho thấy: “Ta đói các con đã cho Ta ăn, Ta khát các con đã cho Ta uống, Ta là khách lạ các con đã tiếp rước, Ta trần truồng các con đã cho Ta mặc, Ta đau yếu các con đã viếng thăm, Ta bị tù các con đã đến tìm Ta” (Mt 25,35-36).

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm khiến cho chúng ta nghiêm ngưỡng Mẹ, là Đấng, do đặc ân riêng biệt, đã được giữ gìn khỏi tội tổ tông từ khi được thụ thai. Tuy sống trong thế giới bị ghi dấu bởi tội lỗi, nhưng Mẹ không bị đụng chạm tới. Mẹ là chị chúng ta trong khổ đau, nhưng không trong sự dữ và tội lỗi. Trái lại, nơi Mẹ sự dữ đã bị đánh bại, trước khi nó đụng chạm tới Mẹ, bởi vì Mẹ được tràn đầy ân sủng (x. Lc 1,28). Vô Nhiễm Nguyên Tội có nghĩa là Đức Maria là người đầu tiên đã được cứu rỗi bởi lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa Cha, là của đầu mùa của ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa muốn trao ban cho từng người nam nữ, trong Chúa Kitô. Vì thế Đẫng Vô Nhiễm đã trở thành hình ảnh tột đỉnh lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng đã chiến thắng tội lỗi. Và hôm nay chúng ta bắt đầu Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng ta muốn nhìn lên hình ảnh này với tình yêu thương tin tưởng và chiêm ngưỡng Mẹ trong tất cả vẻ rạng ngời của Mẹ và noi gương lòng tin của Mẹ.

Trong biến cố được thụ thai vỗ nhiễm của Đức Maria chúng ta được mời gọi nhận ra bình minh của thế giới mới, được biến đổi bời công trình cứu chuộc của Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Bình minh của việc tạo dựng mới, được thực hiện bởi lòng thương xót Chúa. Chính vì thế Đức Trinh Nữ Maria đã không bao giờ bị nhiễm tội lỗi và luôn luôn đuợc tràn đầy Thiên Chúa, là Mẹ của một nhân loại mới.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nhấn mạnh sứ điệp ngày lễ như sau: Ngày lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội hôm nay thông truyền cho chúng ta một sứ điệp đặc biệt: Nó nhắc nhớ chúng ta rằng trong cuộc sống tất cả đều là ơn, tất cả đều là lòng thương xót. Xin Đức Trinh Nữ Thánh, là hoa trái đầu mùa của những người được cứu rỗi, mẫu gương của Giáo Hội, Hiền Thê thánh thiện và vô nhiễm, được Chúa yêu thương, giúp chúng ta ngày càng tái khám phá ra lòng thương xót Chúa hơn như là huy hiệu của kitô hữu. Không thể hiểu được một kitô hữu mà không có lòng thương xót. Thương xót là từ tổng hợp của Tin Mừng. Nó là nét nền tảng nơi gương mặt của Chúa Kitô: gương mặt mà chúng ta nhận ra trong các khía cạnh khác nhau của cuộc sống: khi Ngài đi gặp gỡ tất cả mọi người, khi ngài chữa lành người bệnh tật, khi Ngài ngồi cùng bàn với các người tội lỗi, và nhất là khi bị đóng đanh trên thập giá Ngài tha thứ: ở đó chúng ta trông thấy gương mặt lòng thương xót của Thiên Chúa.

Nhờ lời bầu cử của Mẹ Maria Vô Nhiễm ước chi lòng thương xót chiếm hữu con tim chúng ta và biến đổi cuộc sống chúng ta.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã chào các gia đình, các nhóm giáo xứ các hội đoàn, đặc biệt là các thành viên Công Giáo Tiến Hành Italia đang canh tân sự gắn bó với hội. ĐTC cầu chúc họ tiến bước trên lộ trình đào tạo và phục vụ, luôn luôn được linh hoạt bởi lời cầu nguyện.

ĐTC cũng báo cho mọi người biết ban chiều ngài sẽ đến cầu nguyện dưới tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm tại quảng trường Tây Ban Nha, và hành hương Đền Thờ Đức Bà Cả. Ngài xin mọi người hiệp ý với ngài trong cử chỉ tôn sùng con thảo này đối với Mẹ Maria, Mẹ của lòng thương xót. Ngài đặc biệt phó thác cho Mẹ Giáo Hội, toàn thế giới và cách riêng thành phố Roma. ĐTC cầu chúc mọi người ngày lễ tốt lành và Năm Thánh giầu hoa trái thiêng liêng với sự dìu dắt và bầu cử của Mẹ. Và ngài cũng tha thiết xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Đức Hồng Y Walter Kasper: Lòng thương xót có nghĩa gì đối với đời sống và sứ vụ Giáo Hội?
Vũ Văn An12/8/2015

Lúc vừa nghe tin Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho mở Năm Thánh Thương Xót, Đức Hồng Y Walter Kasper, người mà cuốn sách viết về lòng thương xót, tức cuốn “Lòng Thương Xót: Yếu Tính Tin Mừng và Chía Khóa Đời Sống Kitô Hữu”, đã được Đức Phanxicô ca ngợi ngay những ngày đầu mới lên ngôi giáo hoàng, đã nhận định rằng Năm Thánh Thương Xót “tương hợp với các dấu chỉ thời đại” vì việc này sẽ phô diễn “gương mặt thực sự của Thiên Chúa”, không phải gương mặt khó khăn, ưa trả thù.

Nói trên Đài Phát Thanh Vatican dịp đó, tức ngày 10 tháng Tư vừa qua, Đức Hồng Y Kasper cho biết thêm: Năm Thương Xót còn là dịp để các Kitô hữu nhìn nhận rằng họ cần tới lòng thương xót của Thiên Chúa và họ cần biểu lộ lòng thương xót của mình cho người khác. Ngài bác bỏ lời tố cáo cho rằng lập trường của ngài về lòng thương xót đã phần nào làm lỏng lẻo giáo huấn truyền thống của Giáo Hội. Thực ra, thực thi lòng thương xót của ta đối với kẻ thù là một thao tác khó khăn, rất đòi hỏi, chứ không phải thứ “Kitô Giáo rẻ tiền” như một số người nghĩ.

Muốn hiểu phần nào lập trường của Đức Hồng Y Kasper về lòng thương xót, thiển nghĩ nên đọc lại bài thuyết trình của ngài đọc tại Boston College, Hoa Kỳ ngày 1 tháng 5, 2014, đăng lại trên tạp chí America ngày 15 tháng 9, 2014 với tựa đề: Sứ Điệp Thương Xót.

***

Giới điều thương xót áp dụng không những cho các Kitô hữu cá thể, mà cho Giáo Hội như một toàn thể. Nhiều người hỏi: nếu Thiên Chúa luôn có lòng thương xót, thì tại sao Giáo Hội lại không như vậy? Hoặc, tại sao Giáo Hội xem ra không có lòng thương xót như Thiên Chúa? Câu hỏi này tự nó nói lên sự băn khoăn của nhiều Kitô hữu.

Họ đúng: Tại Công Đồng Vatican II, Giáo Hội tự định nghĩa mình là một bí tích, một dấu chỉ phổ quát và là dụng cụ cứu rỗi của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô. Nếu Giáo Hội là bí tích của tình yêu Thiên Chúa nơi Chúa Kitô, thì Giáo Hội cũng là bí tích của lòng Thiên Chúa thương xót. Bởi thế, lệnh truyền cho Giáo Hội phải thương xót đặt cơ sở trên bản sắc Giáo Hội như là Nhiệm Thể Chúa Kitô. Giáo Hội không phải là một cơ quan xã hội hay bác ái; trong tư cách Nhiệm Thể Chúa Kitô, Giáo Hội là bí tích chỉ sự hiện diện liên tục hữu hiệu của Chúa Kitô trong thế giới. Nó là bí tích thương xót của “Chúa Kitô toàn diện” nghĩa gồm Chúa Kitô đứng đầu và các chi thể. Như thế, Giáo Hội gặp gỡ Chúa Kitô trong chính các chi thể của mình và trong những người đang cần được giúp đỡ.

Nhưng vẫn còn khía cạnh thứ hai nữa. Giáo Hội không những là tác nhân của lòng Thiên Chúa thương xót; nó còn là đối tượng của lòng thương xót này. Vì là Nhiệm Thể Chúa Kitô, Giáo Hội đã được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc. Nhưng Giáo Hội bao gồm những kẻ tội lỗi trong lòng mình và do đó lúc nào cũng cần được thanh tẩy để được tinh tuyền và thánh thiện (Eph 5:23). Thành thử, Giáo Hội phải tự hỏi mình một cách có phê phán và lặp đi lặp lại xem mình có thực sự sống đúng điều mình là và nên là không. Ngoài ra, như Chúa Giêsu đã làm, ta cũng giả thiết phải đương đầu với các thiếu sót và sai phạm của Giáo Hội, không theo cách biện minh mà theo cách thương xót. Tuy nhiên, ta phải hiểu rõ điều này: một Giáo Hội mà không có đức ái và lòng thương xót thì không còn là Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô nữa.

Do đó, sứ điệp thương xót có nhiều hiệu quả sâu rộng đối với giáo huấn, đời sống và sứ vụ Giáo Hội. Lời trách móc nặng nề nhất có thể nêu lên chống lại Giáo Hội là Giáo Hội không thực hành điều mình công bố cho người khác. Thực vậy, nhiều người cảm thấy Giáo Hội khắt khe và thiếu lòng thương xót. Đó là lý do tại sao lúc khai mạc Công Đồng Vatican II, Đức Gioan XXIII nói rằng trước hết Giáo Hội phải dùng tới thuốc thương xót.

Điều trên có thể xẩy ra trong ba cách: Giáo Hội phải công bố lòng thương xót của Thiên Chúa; Giáo Hội phải cung cấp cho mọi người lòng thương xót của Thiên Chúa một cách cụ thể dưới hình thức bí tích hòa giải; và Giáo Hội phải để lòng thương xót của Thiên Chúa hiển hiện và thể hiện trong toàn bộ đời sống của mình, các cơ cấu cụ thể và cả trong luật lệ của mình nữa.

Lòng thương xót và người nghèo

Ở đây, chúng ta sẽ không bàn về từng mỗi chiều kích trên, mà chỉ đề cập tới một khía cạnh rất quan trọng đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Giáo Hội như chứng tá của lòng thương xót vốn là điều chủ yếu trong chương trình muốn trở thành một Giáo Hội nghèo cho người nghèo của ngài.

Chương trình này không mới như người ta tưởng. Nó vốn là chương trình của chính Chúa Giêsu Kitô. Người đến để rao giảng tin vui cho người nghèo (Lc 4:18). Không những người rao giảng; Người, vốn là Đấng giầu có, đã trở thành nghèo để chúng ta trở nên giầu (2Cor 8:9). Công Đồng Vatican II tiếp nhận sứ điệp này trong một chương của “Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội”, một chương hay bị quên lãng sau Công Đồng nhưng đã trở nên quan trọng đối với nền thần học Nam Bán Cầu. Nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặt nó lên bàn để Giáo Hội khắp thế giới đọc. Chúng ta thường quên mất rằng hai phần ba anh chị em Kitô hữu và Công Giáo của chúng ta hiện đang sống ở Nam Bán Cầu và chúng ta quên khuấy các nhu cầu của họ, các vấn đề và các đòi hỏi của họ. Họ nghèo về vật chất, nhưng về thiêng liêng, họ là các Giáo Hội quan yếu và đầy sinh động mà ta cần chú ý lắng nghe. Họ tượng trưng cho tương lai của Giáo Hội.

Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trở thành Giáo Hội nghèo cho người nghèo chủ yếu không phải là một chương trình xã hội mà là một vấn đề Kitô học. Các anh chị em nghèo của chúng ta là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Như Đức Giáo Hoàng từng nhấn mạnh, trong các thương tích của người nghèo và người bệnh, ta đụng tới các thương tích của Chúa Kitô nghèo. Chính Người nói với ta: Các con làm điều gì cho họ là các con làm điều ấy cho Ta (Mt 25). Đó chính là trải nghiệm của Thánh Phanxicô Assisi: lúc khởi đầu con đường hoán cải của ngài, thánh nhân ôm hôn một người cùi và có cảm giác mình đang ôm hôn chính Chúa Kitô. Mẹ Têrêxa cũng thuật lại cùng một trải nghiệm như thế khi Mẹ quàng tay ôm người đàn ông rách rưới đang hấp hối tại trụ sở truyền giáo ở Calcutta. Xem thế, ta đủ biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô quả bám rễ sâu vào lịch sử Kitô Giáo. Di sản ngài để lại cho Giáo Hội là biến một truyền thống cổ xưa thành một sứ điệp khẩn cấp cho chúng ta ngày nay. Lòng thương xót là vấn đề chính trong triều giáo hoàng của ngài và là một thách đố lớn, nhất là đối với các Giáo Hội giầu có của chúng ta ở Bắc Bán Cầu.

Lòng thương xót và giáo luật

Nhiều người đặt câu hỏi: điều trên có nghĩa gì đối với chính Giáo Hội và tác phong của Giáo Hội không những đối với những người nghèo theo nghĩa vật chất mà còn đối với những người trong Giáo Hội bị bỏ rơi, bị đẩy qua một bên, bị đẩy ra bên lề và bị tuyệt thông, nếu không theo nghĩa giáo luật thì cũng theo nghĩa trên thực tế, vì họ không được phép dự phần vào bàn tiệc của Chúa? Đôi khi ta hỏi: đối với những người ly dị và tái hôn thì sao?

Trước nhất, tôi muốn ghi nhận điều này: hạn từ lòng thương xót thường hay bị hiểu lầm và sử dụng sai. Việc này diễn ra khi ta lẫn lộn lòng thương xót với sự yếu đuối bỏ qua (indulgence) và việc để mặc người ta muốn làm gì thì làm (laissez-faire) ra vẻ ta đây từ tâm. Sự nguy hiểm của những việc như thế là biến ơn thánh quí báu của Thiên Chúa, vốn phải mua bằng giá máu của Người trên thập giá, thành thứ ơn phúc rẻ tiền, biến ơn thánh thành món hàng bán rẻ ở tầng hầm. Đó là điều Dietrich Bonhoeffer muốn nói khi ông quả quyết rằng “ơn thánh rẻ tiền biện minh cho tội lỗi chứ không biện minh cho người có tội… Ơn thánh rẻ tiền giảng dạy sự tha thứ mà không đòi lòng thống hối, giảng dạy Phép Rửa chứ không giảng dậy kỷ luật của Giáo Hội, giảng dậy việc rước lễ mà không giảng dậy việc xưng tội, giảng dậy sự giải tội mà không đòi việc đích thân xưng tội”.

Do đó, ta phải tìm hiểu lại từ đầu về ý nghĩa của kỷ luật Giáo Hội. Hạn từ trong Tân Ước để chỉ Giáo Hội là ecclesia; Hạn từ này chứa đựng các yếu tố luật pháp ngay từ đầu. Ý niệm cho rằng Giáo Hội lúc khởi thủy là Giáo Hội của tình yêu, sau đó, mới trở thành Giáo Hội của luật pháp là điều hiện chưa ai có thể chứng minh. Theo Tin Mừng Mátthêu, Chúa Giêsu trao cho Thánh Phêrô quyền chìa khóa và ban cho ngài cũng như các tông đồ khác quyền buộc và tha, nghĩa là quyền trục xuất các cá nhân khỏi cộng đồng và quyền cho họ tái nhập cộng đồng. Tin Mừng Mátthêu vốn đã thiết lập qui luật rõ ràng để thực thi quyền này (Mt 16:19; 18:18).

Thành thử, trong việc vi phạm kỷ luật Giáo Hội, người ta không có cách chi trông chờ sự hỗ trợ từ Chúa Giêsu hay Tân Ước. Nhưng vì kỷ luật Giáo Hội luôn phù hợp với ý nghĩa của Tin Mừng, nên nó cũng phải được giải thích và áp dụng đúng ý nghĩa và tinh thần của Tin Mừng. Chính vì lý do này, Thánh Phaolô đã làm sáng tỏ rằng: hình phạt xua đuổi cố ý nhằm buộc người có tội suy nghĩ về tác phong của mình và thống hối. Nếu người có tội hối hận về các hành vi của mình và thống hối, thì cộng đồng phải để lòng dịu dàng thắng lướt một lần nữa (2Cor 2:5-11). Hình phạt phải là phương thế cuối cùng và, như thế, nó có giới hạn về thời gian. Nó là phương thế quyết liệt và sau cùng được lòng thương xót sử dụng.

Một cái hiểu về kỷ luật Giáo Hội như một môn thuốc thương xót tuy đắng đót nhưng cần thiết như thế rất phù hợp với truyền thống vốn hiểu Chúa Giêsu Kitô, trong các vụ chữa lành đầy lạ lùng của Người, như một thầy thuốc, một người chữa bệnh và là vị cứu vớt người ta; phù hợp với truyền thống trong đó, vị mục tử, nhất là vị giải tội, được hiểu không những như quan tòa, nhưng chủ yếu còn như một thầy thuốc chữa bệnh linh hồn. Cái hiểu có tính chữa bệnh này về luật lệ và kỷ luật của Giáo Hội dẫn chúng ta tới vấn đề nền tảng là làm sao giải thích và giải nghĩa luật Giáo Hội. Đây là một phạm vi rộng lớn mà ta không thể bàn ở đây một cách thấu đáo được, nhưng chỉ theo viễn ảnh mối tương quan giữa luật Giáo Hội và lòng thương xót mà thôi.

Lề Luật và Tinh Thần

Do đó, giáo luật không chống lại Tin Mừng, nhưng Tin Mừng chống lại cái hiểu quá duy luật về giáo luật. Phải giải thích và áp dụng giáo luật dưới sự soi sáng của lòng thương xót vì lòng thương xót mở mắt để ta thấy hoàn cảnh cụ thể của người khác. Lòng thương xót chỉ cho thấy cá nhân không phải chỉ là một hoàn cảnh có thể bao hàm dưới một luật lệ tổng quát. Ngược lại, điều rất chủ yếu đối với nền nhân học Kitô Giáo là trước mặt Thiên Chúa, chúng ta không ở “số nhiều”; mọi người và mọi hoàn cảnh đều ở số ít. Nên, ta phải tìm các giải pháp công chính và công bình cùng một lúc. Nếu ta không tìm như thế, thì, như người Rôma đã nói, summa ius (công lý cao nhất) sẽ trở thành summa iniuria (bất công cao nhất).

Các suy nghĩ trên liệu có nghĩa gì đối với vấn đề người Công Giáo ly dị và tái hôn thì hiện đang được thảo luận trước khi có Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới. Tôi không có câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi này. Trách nhiệm của Thượng Hội Đồng cùng với Đức Giáo Hoàng là đưa ra các quyết định cho vấn đề này. Tuy nhiên, trong mật nghị Hồng Y cuối cùng mà tôi tham dự cùng với Đức Giáo Hoàng, với sự thỏa thuận của ngài, tôi có đề nghị một số suy nghĩ nhỏ mọn về vấn đề cấp thiết này.

Không thần học gia nào, thậm chí không vị giáo hoàng nào, có thể thay đổi tín lý bất khả tiêu của bí tích hôn phối. Ngược lại, tất cả chúng ta đều có lý khi giúp đỡ và hỗ trợ người ta trung thành với hôn nhân vì lợi ích của chính họ và vì lợi ích của con cái họ. Do đó, tín lý không thể bị thay đổi và sẽ không bị thay đổi. Nhưng tín lý phải được khôn ngoan áp dụng một cách công chính và công bình vào các hoàn cảnh cụ thể nhưng thường là phức tạp. Vì các hoàn cảnh này rất khác nhau. Không hề có một trường hợp ly dị và tái hôn đặc trưng; do đó, không thề có một giải pháp tiêu chuẩn nào cho mọi hoàn cảnh. Biện phân vì thế rất cần thiết, và biện phân, cẩn trọng (prudence) và khôn ngoan là các nhân đức chính đối với một vị giám mục mục tử. Ta không luôn làm được điều tốt nhất nhưng ta luôn phải làm hết sức có thể.

Do đó, câu hỏi là: nếu một người nào đó, sau khi ly dị, bước vào một cuộc hôn nhân thứ hai theo dân luật nhưng rồi hối hận vì đã thất bại trong việc chu toàn điều mình đã hứa hẹn trước mặt Thiên Chúa, trước người bạn đời của mình và trước Giáo Hội trong cuộc hôn nhân đầu tiên, và hết sức chu toàn các bổn phận mới và làm những gì có thể làm được để con cái được giáo dục theo Kitô Giáo, cùng ước muốn nghiêm túc được lãnh nhận các bí tích, điều mà họ cần có để có sức mạnh đương đầu với hòan cảnh khó khăn của họ, thì sau một thời gian hướng dẫn mới và ổn định hóa, liệu ta có nỡ chối từ giải tội và tha thứ cho người này hay không? Trong Kinh Tin Kính, ta vốn tuyên xưng “tôi tin phép tha tội”. Khi Thiên Chúa ban một cơ may mới, một tương lai mới cho tất cả những ai thống hối và làm những gì có thể làm được trong hoàn cảnh của họ, thì tại sao Giáo Hội, vốn là bí tích của lòng thương xót Thiên Chúa, lại không thể ban”.

Điều quan trọng ở đây là phải có một khoa chú giải thỏa đáng về việc áp dụng hay, như Thánh Tôma Aquinô, từng dạy theo Aristốt, phải có một cách áp dụng trí hiểu thực tiễn (khác với trí hiểu lý thuyết hay suy lý) vào hoàn cảnh cụ thể, nói cách khác, là nhân đức khôn ngoan: sự khôn ngoan thực tiễn trong việc áp dụng một nguyên tắc tổng quát vào một hoàn cảnh cá biệt và đặc thù. Đây là một phương thức đã được một số giáo phụ tiên khởi của Giáo Hội Kitô Giáo đưa ra, đặc biệt là Thánh Basilêô thành Xêdarê, được thực thi bằng cách sử dụng nguyên tắc oikonomia của Chính Thống và nguyên tắc epikeia của truyền thống La Tinh. Khởi đầu thời cận đại, Thánh Alphôngsô đệ Liguori đề xuất phương thức này trong hệ thống duy cái nhiên (probabilism) của ngài. (Như thế, ngài trở thành thánh quan thầy của các nhà thần học luân lý). Thành thử, nếu Thượng Hội Đồng cảm thấy cần phải đi theo hướng này, thì nó đã tự thấy mình nằm trong truyền thống tốt nhất của Giáo Hội. Điều chắc chắn là các suy nghĩ trên đây không khởi diễn một phương thức tổng quát áp dụng cho mọi hoàn cảnh; có lẽ nó chỉ được dành cho một thiểu số nhỏ mà thôi; nhưng nó vẫn có thể trở thành một con đường cho những ai đang hết sức quan tâm và muốn đi theo con đường hóan cải.

Đây có thể là một cách để vượt qua các cực đoan của chủ nghĩa nghiêm khắc (rigorism), một chủ nghĩa không thể trở thành đường lối cho người Kitô hữu bình thường, và của cả chủ nghĩa lỏng lẻo nữa, một chủ nghĩa không hề tương hợp với chủ trương nên thánh của Chúa Giêsu. Tìm một lối đi vượt qua các cực đoan luôn là đường lối của Giáo Hội, một đường lối biện phân, cẩn trọng và khôn ngoan, đường lối thương xót cụ thể.

Lòng thương xót từ bên dưới

Thông thường, viễn ảnh thần học bắt dầu từ bên trên. Ta biết một tín lý hay một qui luật, và ta khởi từ đó để áp dụng nó vào thực tại cụ thể, một thực tại thường là phức tạp và đa dạng. Lòng thương xót dẫn ta tới một viễn ảnh khác, không khởi đi từ bên trên nhưng khởi đi từ bên dưới, tức tiến hành việc xem xét một hoàn cảnh cụ thể để áp dụng một lề luật hay một qui luật. Đây không phải là đạo đức học hoàn cảnh (situation ethics), vì qui luật tự nó có giá trị chứ không do hoàn cảnh tạo ra. Đây là phương pháp của Thánh Inhaxiô Thành Loyola trong cuốn Linh Thao của ngài; và là điều Đức Phanxicô, một tu sĩ tốt của Dòng Tên, vốn thực hành. Ngài bắt đầu từ hoàn cảnh rồi mới tiến hành việc biện phân tinh thần.

Chúa Giêsu cũng chỉ cho ta cùng một phương thức như thế. Khi Người hỏi: “Ai là người lân cận của Tôi?” Người không đưa ra một câu trả lời trừu tượng. Người kể một câu truyện cụ thể, câu truyện của người Samaritanô tốt lành hay thương xót (Lc 10:30-37): “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.’ Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? Người thông luật trả lời: ‘Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy’. Đức Giê-su bảo ông ta: ‘Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy’".

Đó chính là lối Thiên Chúa cư xử với chúng ta. Người cúi xuống để nâng ta dậy; để an ủi ta và chữa lành các vết thương cho ta; và ban cho ta cơ may mới, thông ban cho ta sự sống mới và niềm hy vọng mới. Và ai tự cho mình là người công chính đến nỗi nghĩ mình không cần chi tới lòng thương xót này? Lòng thương xót là thánh danh của Thiên Chúa. Lòng thương xót là lời kêu gọi trở thành Kitô hữu thực sự, một Kitô hữu biết theo gương Chúa Giêsu Kitô và gặp gỡ Chúa Kitô trong các anh chị em đang đau khổ của Người. Lòng thương xót là yếu tính của Tin Mừng và là chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu. Lòng thương xót là tin lành nhất và đẹp nhất từng được kể cho ta nghe và ta nên đem đến cho thế giới. Như Thiên Chúa, nhờ lòng thương xót của Người, đã luôn ban cho ta một cơ may mới, một tương lai mới thế nào, thì lòng thương xót của ta cũng phải đem tương lai lai cho người khác, và cho cả thế giới đang rất cần nó như vậy.